Tìm hiểu về cách xếp hạng tiết kiệm năng lượng trên đồ gia dụng qua hệ thống tem năng lượng
Khi mua sắm các đồ điện gia dụng, người tiêu dùng Việt Nam chưa để ý nhiều tới chi phí vận hành sản phẩm, bao gồm chi phí cho tiêu thụ điện. Cùng một loại sản phẩm gia dụng với giá tiền xấp xỉ nhau nhưng mỗi sản phẩm sẽ có mức tiêu hao năng lượng khác nhau tùy thuộc vào hãng sản xuất, công nghệ áp dụng. Điều này có thể được tìm thấy ngay trên các nhãn mác dán trên thiết bị.
Chọn thiết bị có hiệu quả năng lượng cao
Các đồ điện gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, lò nướng… là những thứ chủ yếu tiêu hao năng lượng trong nhà bạn, vì vậy việc lựa chọn những thiết bị có hiệu quả năng lượng cao nhất có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí sở hữu sản phẩm.
Ở một số nước như Mỹ, Úc, châu Âu đều có các chương trình ghi nhãn năng lượng Energy Rating để giúp khách hàng lựa chọn thiết bị tiết kiệm năng lượng và các nhãn này áp dụng cho cả các thiết bị dùng điện và khí đốt.
Tại Việt Nam, theo lộ trình dán nhãn năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị gia dụng như thiết bị chiếu sáng, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện… được khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1/7/2011. Đến 1/1/2013 việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm này là bắt buộc. Các thiết bị văn phòng và thương mại như máy photocopy, bộ nguồn máy tính, tủ giữ lạnh thương mại và các thiết bị tiêu thụ năng lượng khác được khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1/1/2014 và bắt buộc thực hiện kể từ 1/1/2015.
Hiện tại, hầu hết các mặt hàng trong diện quy định đều đã được dán nhãn năng lượng, nhưng người tiêu dùng chưa để ý nhiều cũng như chưa thật hiểu rõ các thông tin ghi trên nhãn. Bài viết nêu một số chương trình dán nhãn năng lượng lớn trên thế giới, mà hầu hết các sản phẩm đều áp dụng, đồng thời cung cấp thông tin về nhãn năng lượng áp dụng tại Việt Nam để bạn đọc tham khảo.
Chương trình dán nhãn năng lượng của Úc
Chương trình dán nhãn năng lượng của Úc phân ra 2 loại nhãn năng lượng dành cho thiết bị điện và thiết bị dùng gas.
Nhãn năng lượng điện được dán trên TV, điều hòa nhiệt độ, máy sấy quần áo, máy rửa bát, máy giặt, tủ lạnh và tủ đá. Có hai nhãn: nhãn tiêu chuẩn 6 sao và các nhãn từ 7-10 sao dán cho các thiết bị đạt hiệu quả năng lượng cao hơn. Các nhãn này ghi rõ thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng như thế nào, sử dụng bao nhiêu năng lượng trong một năm. Càng nhiều sao thì có nghĩa thiết bị được đánh giá hiệu quả năng lượng cao hơn các model khác, thiết bị sử dụng ít năng lượng hơn và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, các con số ghi trên nhãn năng lượng là mức tiêu thụ năng lượng trung bình, bạn cần cân nhắc việc sử dụng năng lượng của bạn có thể khác với mức trung bình này.
Bạn có thể tham khảo thông tin về nhãn năng lượng trên website Energy Ratings Chính phủ Úc khi cần so sánh các thiết bị điện đạt các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng của Úc. Khi so sánh các thiết bị, đảm bảo rằng bạn so sánh các model có kích thước, khối lượng và dung tích tương ứng
Với các thiết bị dùng gas, nhãn năng lượng được dán trên máy sưởi gas, bình nước nóng đun bằng gas, tuy nhiên chương trình này là tự nguyện nên không phải tất cả các nhà sản xuất đều dán nhãn năng lượng gas. Nhãn năng lượng gas nếu có sẽ hiển thị 1 ngôi sao biểu thị cho hiệu quả năng lượng và ghi rõ số Megajoule (MJ) năng lượng tiêu thụ mỗi năm. Thiết bị sử dụng gas càng hiệu quả thì số MJ càng thấp và số ngôi sao càng nhiều
Chương trình Energy Star của Mỹ
ENERGY STAR® là chương trình dán nhãn năng lượng của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, được sử dụng bởi một số quốc gia, bao gồm cả Úc. Các sản phẩm được cấp nhãn Energy Star nếu đáp ứng được các yêu cầu về hiệu quả năng lượng của bộ thông số Energy Star. Thông thường, nhãn Energy Star được tìm thấy trên các mặt hàng như máy vi tính, ti vi, máy in, máy photocopy và máy nghe đĩa DVD. Những sản phẩm nào được gắn nhãn này có nghĩa nó tiết kiệm điện hơn những sản phẩm không có nhãn ít nhất là 20% điện năng tiêu thụ).
Hệ thống nhãn năng lượng châu Âu
Có ba thông tin về hiệu quả năng lượng mà bạn có thể tìm thấy trên hệ thống nhãn năng lượng châu Âu:
1. Xếp hạng hiệu quả năng lượng: chia thành các mức A+++, A++, A+, A, B, C, D, trong đó sản phẩm ghi nhãn A+++ có hiệu quả năng lượng cao nhất, thấp nhất là sản phẩm ghi nhãn D.
2. Mức tiêu thụ năng lượng hàng năm: mức này được ghi cụ thể theo đơn vị kWh, được tính toán dựa trên các tiêu chuẩn do EU định nghĩa và công bố. Ví dụ, trong hình trên là nhãn năng lượng dán trên một máy sấy quần áo, con số điện năng tiêu thụ hàng năm (XYZ) được tính theo chương trình sấy quần áo cotton với tải trọng đầy hoặc một nửa.
3. Thông tin sản phẩm cụ thể: bạn có thể tìm thấy một số hình ảnh phụ liên quan đến sản phẩm, ví dụ như dung tích, lượng nước tiêu thụ và mức độ gây ồn.
Hệ thống dán nhãn năng lượng châu Âu được áp dụng trên các sản phẩm: máy giặt, máy giặt sấy, máy sấy (quần áo), tủ lạnh, tủ đông, máy rửa chén bát, bếp điện, điều hòa nhiệt độ, bóng đèn tiết kiệm năng lượng.
Nhãn "Ngôi sao năng lượng Việt"
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại nhãn năng lượng. Nhãn năng lượng xác nhận là nhãn thể hiện hình biểu tượng tiết kiệm năng lượng (còn gọi là biểu tượng ngôi sao năng lượng Việt), được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu quất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công thương quy định trong từng thời kỳ.
Nhãn có hình tam giác với ba cạnh tròn, biểu tượng ngôi sao vàng trên nền tem xanh lá cây sẫm và viền xanh lá mạ; được in hoặc dán trực tiếp trên bề mặt bao bì, vỏ hộp và trên thân của sản phẩm với phiên bản một màu. Các sản phẩm được dán nhãn phải qua kiểm tra về chất lượng, độ bền, hiệu suất năng lượng theo TCVN 7896:2008
Nhãn xác nhận sản phẩm đạt hiệu suất năng lượng
Nhãn năng lượng so sánh là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị đó so với các thiết bị cùng loại khác, từ đó giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn. Trên biểu tượng nhãn này, mức hiệu suất năng lượng thể hiện qua 5 cấp độ tương ứng với 5 ngôi sao, nhãn 5 sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất.
Nhãn so sánh các cấp độ tiết kiệm năng lượng
Nhãn so sánh năng lượng bao gồm các thông tin tối thiểu sau:
a) Mã chứng nhận: Là mã do Bộ Công Thương cấp nhằm phục vụ công tác quản lý, được Bộ Công Thương quy định cụ thể trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng
b) Tên/mã sản phẩm: Là tên hoặc mã sản phẩm doanh nghiệp đăng ký dán nhãn và được Bộ Công Thương cấp trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng
c) Hãng sản xuất: Là tên của tổ chức/doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng
d) Nhà nhập khẩu: Là tên của tổ chức/doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng (thông tin này chỉ áp dụng đối với nhà nhập khẩu)
e) Phần thể hiện chỉ số đánh giá mức tiết kiệm năng lượng (Cấp hiệu suất năng lượng): Lượng năng lượng tiêu thụ trong một giờ vận hành của các sản phẩm cùng chủng loại nhưng do các nhà sản xuất khác nhau chế tạo được chia thành 5 khoảng mức tương ứng với số sao trên nhãn (từ 1 sao đến 5 sao). Mức tiết kiệm năng lượng (cấp hiệu suất năng lượng) do Bộ Công Thương xác định qua việc đánh giá kết quả thử nghiệm chỉ tiêu hiệu suất năng lượng của sản phẩm và được thể hiện trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
f) Mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm: trị số tiêu thụ năng lượng được tính bằng kWh/năm.
g) Các thông tin khác: được quy định chi tiết trong Quyết định cấp Giấy chứng nhận phù hợp với từng loại sản phẩm cụ thể.
Một số tiêu chuẩn tem nhãn hàng hóa. Ghi nhãn hàng hóa ?
- Vị trí nhãn hàng hoá ?
- Kích thước nhãn hàng hoá ?
- Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hoá ?
- Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá ?
- Trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá ?
Nhãn hàng hoá:
Là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.
Hàng hóa phải ghi nhãn:
Là hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, trừ những trường hợp sau đây:
Hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá được thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hoá, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.
Hàng hoá thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hoá là chất phóng xạ, hàng hoá sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phương tiện giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường không; hàng hoá do các cơ quan nhà nước tịch thu đem bán đấu giá, thanh lý có quy định riêng.
Vị trí nhãn hàng hoá:
Nhãn hàng hoá phải được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá.
Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.
Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì:
Các nội dung: tên hàng hoá; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hoá phải được ghi trên nhãn hàng hoá;
Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hoá và trên nhãn hàng hoá phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Kích thước nhãn hàng hoá:
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá tự xác định kích thước của nhãn hàng hoá nhưng phải bảo đảm ghi đầy đủ nội dung bắt buộc và nhận biết dễ dàng bằng mắt thường.
Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hoá:
Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng hoá
Phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hoá.
Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá:
Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hoá phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ các nội dung được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh sau đây:
- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;
- Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hoá học, công thức cấu tạo của hoá chất;
- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hoá trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;
- Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hàng hoá.
- Hàng hoá được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện như trên, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.
Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá:
Nội dung ghi nhãn hàng hoá kể cả nhãn phụ phải bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá.
àng hoá được sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.
Hàng hoá được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn. Trong trường hợp hàng hoá không xuất khẩu được mà đưa trở lại lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hoá ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định.
Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. trước khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.
Xem thêm: In backlit film khu vực Tp.HCM | Làm hộp đèn giá rẻ
Đăng bởi Bichvan Tags: in ấn tem nhãn, In tem, In tem nhãn, in tem nhãn chất lượng, in tem nhãn lấy liền, in tem nhãn lấy ngay, in tem nhãn nhanh chóng, tem, Tem nhãn